Măng rừng là một loại nguyên liệu không thể thiếu trong các món ăn của đồng bào vùng cao. Nó được ví như món quà mà mẹ thiên nhiên ưu đãi cho con người từ thuở sơ khai. Gọi là măng rừng nhưng nó không phải là tên riêng của một loại măng nào cả. Măng rừng đơn giản là măng được lấy ở trên rừng, nghe mộc mạc như người dân nơi đây vậy. Và bởi có rất nhiều loại măng rừng khác nhau nên trong bài viết này, hãy cùng mangrung.vn tìm hiểu xem có bao nhiêu loại măng rừng và cách phân biệt những loại măng rừng đang bán trên thị trường nhé.
Dựa vào loài măng rừng
Cách phân biệt chính xác nhất là dựa vào các loài măng. Mỗi loại măng rừng có những đặc điểm, hương vị khác nhau. Dựa vào những đặc điểm này, bạn có thể phân biệt được những loại măng rừng đang bán trên thị trường.
Măng nứa
Măng nứa là loại măng được bà con dân tộc đi thu hái từ các mầm măng non của cây nứa. Chủ yếu là từ các khu vực nhiều nứa của núi rừng Tây Bắc.
Măng nứa khá phổ biến nhưng cũng khó phân biệt. Độ lớn nhỏ, màu sắc, hương vị phụ thuộc vào khí hậu và thổ nhưỡng của từng địa phương. Đường kính trung bình từ 5 – 8 cm. Bên trong măng có những khoang nhỏ.
Măng nứa thường được dùng để làm măng khô và chế biến các món xào.
Măng mai
Măng mai là loại măng có kích thước lớn, có đường kính gốc trung bình từ 8 – 15cm.
Thời gian thu hái từ tháng 03 đến tháng 08 hàng năm.
Tập trung chủ yếu ở vùng núi Tây Bắc.
Vị ngọt, hơi đắng, tính lạnh.
Phần gốc dày và đặc do vậy thường được dùng làm thực phẩm như xào, nấu canh, muối chua, phơi khô. Măng mai có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, trừ đờm.
Hiện nay măng mai được tự trồng với diện tích lớn. Và hầu hết các món măng ăn kèm trên thị trường hiện nay là măng mai.
Măng sặt
Thời điểm thu hoạch: Tháng 12 âm lịch đến tháng 03 âm lịch
Măng đầu mùa có vị ngọt, xen lẫn một chút vị đắng. Măng cuối mùa đắng.
Măng sặt nhỏ và thuôn dài, hình dáng trông như những chiếc que nhỏ vậy.
Măng sặt có rất nhiều ở vùng núi Yên Bái và Tây Bắc.
Măng vầu
Vầu thường mọc tập trung trong một diện tích lớn, nằm sâu trong rừng và trên những quả đồi thấp.
Măng vầu thường xuất hiện vào khoảng tháng 01 đến tháng 02. Đây được coi là thời điểm đầu mùa của măng vầu. Ở giai đoạn này, việc tìm kiếm măng vầu thường khó khăn vì măng mọc ở sâu trong lòng đất. Tuy nhiên, do măng non nên rất ngọt và giòn.
Tháng 03 tháng 04 là khoảng thời gian măng vầu xuất hiện nhiều nhất.
Măng vầu có kích cỡ trung bình, đường kính gốc khoảng từ 5 – 10 cm. Vỏ măng thường có màu vàng nhạt hoặc sẫm. Đỉnh ngọn có màu nâu hoặc tím thâm. Với những lá bé màu nâu, đây là măng non được đào dưới đất. Còn đối với những loại măng vầu được rao bán có lá xanh, đây là những cây măng đã trưởng thành và thường có vị đắng.
Măng trúc
So với các loại măng khác đã nhắc tới ở trên thì măng trúc thon nhỏ hơn nhiều. Đường kính chỉ khoảng từ 3 – 5cm. Hình dáng thon dài. Vỏ măng có màu xanh đặc trưng vẫn còn cho đến khi bóc ra.
Mặc dù vậy, thân măng rất chắc chắn.
Nhìn chung, măng trúc khá dễ phân biệt vì có hình dáng rất dễ nhận biết.
Măng giang
Giang thường mọc thành búi và bụi lớn. Bụi giang không cao nên thường bị che khuất lấp bởi cây cỏ khác trong rừng.
Măng giang khá giống với măng trúc, tuy nhiên nó ngắn hơn. Bổ măng ra thì bên trong có nhiều khoang. Măng giang có vỏ cứng và trơn. Măng càng trưởng thành thì vỏ càng càng cứng.
Khi bóc ra có màu xanh. Ăn măng rất giòn.
Măng bương
Bương là loại cây thuộc loại tre, trúc. Măng bương thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Măng bương đầu vụ tháng 5-6 hàng năm thời tiết khô nóng cây măng bương còi cọc. Vào chính vụ vào mùa mưa tháng 7-8 măng bương cây to khỏe hơn vì đủ nước hấp thụ chất dinh dưỡng tốt.
Măng lay
Măng lay là một loài măng thuộc họ tre, thường mọc từ tháng 06 đến tháng 08 hàng năm.
Măng lay có đặc điểm thân nhỏ, lá nhọn, mọc thành từng bụi lớn bạt ngàn trên những sườn đồi, khe suối… của núi rừng.
Dựa vào vị măng rừng
Nếu bạn không biết nhiều về loại măng, cách phân loại này giúp bạn tìm cho mình loại măng phù hợp với khẩu vị.
Măng rừng ngọt
Măng ngọt là những loại măng không có vị đắng, ít he, dễ ăn, dễ sử dụng. Với những người không ăn được đắng thì đây sẽ là sự lựa chọn tốt.
Để có thể chọn măng ngọt, bạn nên chú ý về độ già của măng. Bất kể loại măng nào, nếu già đều có thể đắng.
Một số loại măng ngọt (hơn) có thể kể đến như măng mai, măng giang,…
Măng rừng đắng
Ngoài ra, còn một số loại măng khác sẽ có vị hơi chát hoặc hơi he. Đôi khi nó có vị đắng gắt. Theo mùa vụ, hình thái cây măng có thể biến đổi từ vị ngọt sang đắng như măng vầu (cây dưới đất có vị ngọt càng lên cao khỏi mặt đất càng đắng). Nhưng với nhiều người, thì đây lại là một hương vị tuyệt vời khi kết hợp với những vị nước chấm đặc biệt.
Tuy nhiên, nếu không thích thì bạn hoàn toàn có thể loại bỏ được những vị này trong quá trình chế biến.
Dựa vào hình thái măng rừng
Dựa vào hình thái măng người ta có thể chia măng rừng ra thành 2 loại: măng rừng tươi và măng rừng khô
Măng rừng tươi
Măng rừng tươi là măng được hái từ trên rừng tự nhiên chưa qua sơ chế hoặc qua sơ chế, bảo quản. Măng rừng tươi theo đó có các dạng măng bóc vỏ, măng luộc hoặc măng chua. Đặc điểm của măng rừng tươi là dễ chế biến, nguyên vị, thời gian sử dụng ngắn. Măng rừng tươi chủ yếu sử dụng cho bữa ăn gia đình, khó bảo quản, càng để lâu chất lượng tươi nguyên của măng càng giảm.
Măng rừng tươi được khai thác tập trung vào hai đợt các tháng 12 – 3 âm lịch và từ tháng 4-8 âm lịch hàng năm. Măng rừng tươi có rất nhiều loại, tất cả các loại măng về lý thuyết đều có thể làm măng tươi. Tuy nhiên, chủ yếu người dân sử dụng măng giang, măng trúc, măng nứa, măng vầu… để chế biến măng tươi. Giá mỗi loại măng tươi có sự chênh lệch liên quan đến quá trình khai thác, chế biến, chất lượng măng.
Măng rừng tươi ngon nhất khi vừa được lấy từ trên rừng nương, vườn đồi về. Tuy nhiên, măng thường mang độc tố cần sơ chế, khử độc trước khi dùng. Măng rừng tươi lấy về nên ngâm muối trước khi luộc, hấp,… Với trẻ nhỏ nên hạn chế dùng măng tươi chưa qua xử lý độc tố.
Măng rừng khô
Măng rừng khô là măng được người dân khai thác và chế biến từ nguồn nguyên liệu măng tươi qua sơ chế. Măng khô khắc phục được nhược điểm của măng tươi là dễ bảo quản, thời gian sử dụng dài, phục vụ số đông thay vì phạm vi gia đình.
Chủ yếu người dân sử dụng các loại măng nứa, măng hốc, măng bương, măng mai, măng giang… làm măng rừng khô. Giá mỗi loại măng khô có sự chênh lệch. Chênh lệch này liên quan đến quá trình khai thác, chế biến, chất lượng măng thành phẩm. Thường để cho ra 1kg măng thành phẩm cần khoảng 10kg măng tươi đã qua sơ chế (măng trần) hoặc khoảng 13-15kg măng thô chưa qua sơ chế.
Măng rừng khô ngon nhất khi vừa sấy, phơi được nắng, măng khô kiệt, màu măng vàng cánh kiến (phơi nắng, sấy công nghiệp) hoặc hung gác bếp (sấy thủ công). Măng khô hạn chế nhược điểm măng tươi là tồn dư độc tố tự nhiên. Vì thế mọi người đều có thể dùng. Tuy nhiên, các bà nội trợ nên lưu ý ở thời gian chế biến. Măng khô thường đã qua sơ chế, luộc, hấp trước khi làm khô. Vì vậy, thời gian nấu cần cân nhắc để món măng được ngon nhất.
Hy vọng bài viết này sẽ là cẩm nang hữu ích giúp các bạn phân biệt và chọn lựa các loại măng đang bán trên thị trường. Từ đấy mà có được những món ăn ngon cho những dịp quan trọng trong năm. Hãy để mangrung.vn mang tới cho quý vị những loại măng ngon nhất của núi rừng Tây Bắc nhé!
Thanh Cầm (Post author)
Bài viết rất chi tiết và bổ ích. Cảm ơn mangrung.vn !
Rừng Măng (Post author)
Cảm ơn bạn!