Xuân đến, đại ngàn Tây Bắc nở rộ bao nhiêu loài hoa rừng. Trên những triền nương, sườn đồi bạt ngàn hoa ban, hoa đào, hoa mơ,… khoe sắc, đua hương. Ở các cánh hoa mỏng manh ấy là những chú ong say sưa hút mật, gom nhụy làm nên những giọt mật vàng thơm.
Ngoài những món ăn ngon, Tây Bắc còn có một sản vật cực kì quý giá, đó là mật ong rừng. Trên khắp các nẻo đường Tây Bắc, những chàng trai cô gái người Mông, người Thái vai đeo lù cở chất đầy những tầng ong ăm ắp mật. Khi có người mua, những bàn tay nhanh nhẹn vắt mật ngay tại chỗ.
Mật ong rừng là mật được ong hoang dã, sống trong rừng, tự làm tổ, lấy phấn hoa và không hề có bàn tay con người can thiệp vào quá trình sinh sống, làm mật, lấy mật của ong. Người ta ước tính, để có 1kg mật, trung bình ong phải hút mật của mười triệu bông hoa và bay một đoạn đường gấp 11 lần xích đạo (trong trường hợp tính khoảng cách từ tổ ong đến bông hoa là 1,5km).
Mật ong rừng nguyên chất vùng Tây Bắc
Từ lâu mật ong rừng Tây Bắc đã trở thành một sản vật quý, ai đến đây cũng muốn mua về. Mật ong rừng có vị ngọt khé cổ, thơm hương thơm rất đặc biêt của các loài hoa rừng. Mật ong rừng rất nhiều ga, đặc biệt là vào những hôm thời tiết nóng bức. Màu của mật ong cũng tùy vào thời gian khai thác, đầu mùa mật sẽ có màu sậm và càng về cuối mùa thì càng đen.
Để có được những hũ mật ong sóng sánh, ngọt lịm ấy là quá trình thu hái đầy khó khăn và nguy hiểm. Những người trong bản phải vào tận trong rừng sâu tìm kiếm tổ ong rừng trên các ngọn cây lớn, các vách đá cheo leo.
Một sản vật quý của núi rừng
Mùa mật ong vào khoảng tháng 3 đến tháng 6. Lúc này từng tốp, từng tốp lại rủ nhau vào rừng “săn” mật ong. Mỗi chuyến đi bao giờ cũng cần ít nhất 2 người, đó là những tổ ong ở cây thấp, gần bản còn khi vào tận rừng sâu, ở cây cao, vách đá cheo leo thì cần khoảng 3 đến 5 người. Mỗi người một balo, gạo, mắm muối, đi cả chục ngày mới trở về bản.
Dụng cụ lấy mật chỉ đơn giản là một bó đuốc gồm lá khô và lá tươi quấn chung, để khi đốt tạo khói nhiều để xua bầy ong ra khỏi tổ. Mỗi lần đi như thế có khi được rất nhiều mật, có khi lại chỉ được vài lít, thậm chí chẳng được chút nào. Bởi vào mùa mật, mật ong nhiều nhưng người đi “săn” mật ong cũng nhiều không kém. Thường thì ai là người nhìn thấy tổ ong đầu tiên, sẽ dùng dao đánh dấu ở gốc cây, người đến sau có thấy cũng không được lấy nữa, đó là quy ước ngầm ở làng bản.
Giọt mật vàng thơm, ngọt lịm
Ngay từ thời xa xưa, con người đã biết đến giá trị quý báu của mật ong nguyên chất. Mật ong là chiến lợi phẩm, là quà tiến vua. Trong các gia đình, mật ong là vị thuốc quý cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ khi sinh nở. Ngày nay, khoa học đã xác định được thành phần phong phú của mật ong với 75% đường, 20 % nước và 5% các chất khác như các loại muối khoáng quan trọng, các loại vitamin quý và nhiều nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho sức khỏe con người.
Mật ong rừng là sản phẩm hữu cơ tự nhiên, không bao gồm bất cứ chất hóa học nào nên được rất nhiều người ưa chuộng. Một lý do nữa khiến mật ong được nhiều người ưa thích đó là vị ngọt thơm rất dễ uống. Thực tế, mật ong là một loại đường tự nhiên có lợi cho cơ thể chứ không giống những loại đường nhân tạo khác. Vì thế sử dụng mật ong sẽ không phải lo lượng đường trong máu tăng.
Không chỉ thơm ngon, mật ong rừng còn là vị thuốc quý
Hiện nay 1 lít mật ong rừng có giá khoảng 500 – 800 nghìn đồng. Tuy vậy số lượng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua. Thường thì nhiều người sẽ đặt mua mật ong ngay sau khi người thợ đi săn về để đảm bảo mua được đúng mật ong rừng nguyên chất. Vì nguồn mật này ngày càng hiếm, nhờ đó mà những người thợ giỏi cũng thu được cả trăm triệu mỗi năm.
Con người Tây Bắc từ bao đời đã sống và gắn bó với rừng, được rừng chở che. Có lẽ vì thế mà rừng đã hào phóng ban tặng cho người dân nơi đây sản vật vô cùng quý giá. Những giọt mật ong rừng sóng sánh, vàng thơm là tinh hoa của núi rừng Tây Bắc.